Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Bài văn chứng minh câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây [Văn lớp 7]

 BÀI VĂN CHỨNG MINH CÂU TỤC NGỮ ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY

Bất cứ ai trong mỗi chúng ta đều có cội nguồn, gốc rễ. Trong kho tàng ca dao, dân ca có nhiều câu phản ánh đạo lí sống của dân tộc Việt Nam thể hiện trong cuộc sống từ ngàn xưa cho đến nay. Ví dụ như: “Con người có tổ có tông, Như cây có cội, như sông có nguồn”; “Uống nước nhớ nguồn” và câu ca dao như lời nhắc nhở đối với mỗi chúng ta là hãy biết trân trọng, biết ơn những thế hệ đi trước nhớ ghi công lao mà người khác đã giúp đỡ mình. Đó cũng là một triết lí muôn đời được thể hiện ở câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ý nghĩa của câu tục ngữ trên nhắc nhở chúng ta phải trân trọng, biết ơn những người đi trước đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để đem lại thành quả tốt đẹp mà chúng ta đang được hưởng thụ hôm nay.

Bài văn chứng minh câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Trong câu tục ngữ này đã mượn hình ảnh gần gũi với cuộc sống hằng ngày là “ăn quả” và “trồng cây” để nói lên khi ăn một quả thơm ngon hay một trái ngọt thì ta phải nhớ đến công lao người đã trồng ra cây đó. Để có được một quả ngọt thì người trồng phải dãi dầu mưa nắng, đổ bao nhiêu mồ hôi và công sức. Bát cơm chúng ta ăn là do công lao khó nhọc vất vả “một nắng hai sương” của người nông dân trên đồng ruộng. Nhà ta ở hay những vật dụng mà ta sử dụng hằng ngày cũng là do sự lao động cần cù của những người công nhân. Đồng thời ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ lại muốn khuyên chúng ta khi được hưởng một thành quả nào đó thì phải nhớ ơn những người đã tạo ra thành quả đó. Nếu ta hiểu cuộc sống ấm no tốt đẹp này hôm nay là thành quả mà ta hưởng thụ vậy ai là người đã làm ra thành quả của ngày hôm nay? Trước hết đó là cha, mẹ người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng từ khi ta còn bé cho đến ngày lớn khôn. Họ là người luôn dõi theo từng bước đi của chúng ta, an ủi, động viên, dìu dắt chúng ta trở thành những người có ích cho xã hội. Đó là thầy, cô giáo – người đã cho chúng ta ánh sáng tri thức – một hành trang qúi giá nhất để chúng ta vững bước vào đời Tục ngữ có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên” là để nói về công lao to lớn của thầy cô giáo đối với các thế hệ học trò. Vì thế cứ mỗi dịp 20-11 hàng năm, học sinh cả nước lại hân hoan bày tỏ lòng biết ơn, yêu kính của mình đối với thầy cô đã dạy dỗ mình. Trong tình cảm ấy, lòng biết ơn ấy không chỉ thể hiện vào dịp lễ tết, ngày nhà giáo Việt Nam mà phải thực hiện bằng sự tôn trọng, vâng lời thầy cô mỗi giờ lên lớp, bằng kết quả học tập tốt và trong suốt cả cuộc đời. Đó là những anh bộ dội, những chị thanh niên xung phong đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cùng một phần xương máu của mình cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước, những người đã ngày đêm lao động miệt mài để góp phần tạo nên cuộc sống ấm no đầy đủ, tươi đẹp như hôm nay. Đó là những nhà khoa học đã dốc sức lao động trí óc để tạo nên những của cải, vật chất làm giàu cho xã hội, cho chúng ta được hưởng thụ và còn biết bao nhiêu người khác nữa đang âm thầm cống hiến mà không cần được tôn vinh. Những con người đó dù ở vị trí nào vẫn luôn luôn cố gắng hết mình, phấn đấu hết mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước…

Câu tục ngữ trên đã giúp ta hiểu rõ hơn về lòng biết ơn là nền tảng của đạo lí, là thước đo phẩm chất, đạo đức của mỗi con người. Để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam thì mỗi người trong chúng ta cần phải luôn trau dồi phẩm chất cao quý, rèn luyện bằng những hành động nhỏ nhất thể hiện ta là người có văn hóa, lịch sự và để lòng biết ơn mãi là bài học quý có giá trị trong cuộc sống chúng ta.

Các bạn vừa tham khảo Bài văn chứng minh câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây, văn lớp 7. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.

Exit mobile version