Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Cảm nghĩ của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ [Văn lớp 9]

CẢM NGHĨ CỦA EM VỀ BÀI THƠ MÙA XUÂN NHO NHỎ VĂN LỚP 7

Mùa xuân luôn là cảm hứng bất tận của các thi nhân. Nếu như ta đã bắt gặp một Hàn Mặc Tử thâm trầm, sâu lắng với “Mùa xuân chín”, một Xuân Diệu nồng nàn, say đắm với “Vội vàng”…và khi đến với Thanh Hải, ta lại thấy một mùa xuân dịu dàng hương vị của xứ Huế mộng mơ. Đó cũng chính là một nét đẹp riêng mà Thanh Hải đã thể hiện thông qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

Cảm nghĩ của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ văn lớp 9

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải sáng tác vào năm 1980 khi tác giả đang nằm trên giường bệnh. Được sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên bài thơ thấm đẫm những vẻ đẹp mà các bài thơ cùng thể loại không thể nào có được.

Mở đầu bài thơ, Thanh Hải đã phác họa bức tranh thiên nhiên lúc vào xuân:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc,

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.”

Mùa xuân trong thơ Thanh Hải không phải là những gì to lớn, hùng vĩ mà mùa xuân ấy hiện lên với những cảnh vật thân quen, đơn sơ và rất đỗi bình dị. Đó là dòng sông xanh xanh, là bông hoa tím biếc hiên ngang mọc giữa dòng. Có cảm giác không gian mà nhà thơ miêu tả chính là xứ Huế mộng mơ, còn dòng sông kia chính là dòng Hương Giang tĩnh mịch, trầm tư. Không gian dường như trở nên thoáng đãng với sắc màu và âm thanh cùng hòa quyện. Sắc tím mãnh liệt giữa dòng sông xanh, thêm tiếng chim chiền chiện lảnh lót đã làm cho mùa xuân cuối cùng mà Thanh Hải phát họa thật tươi đẹp biết bao.

Cảm xúc của nhà thơ về mùa xuân không chỉ được cảm nhận bằng thị giác và thính giác mà dường như, ông đã hòa làm một với thiên nhiên để chạm vào những gì đẹp nhất của đất trời:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân với ông bây giờ như được cô đọng lại thành từng “giọt” và bằng thái độ rất đội nâng niu, trân trọng, ông đã dùng động tác “hứng” để đón lấy những giọt xuân long lanh ấy. “Giọt” đó là giọt gì? Giọt sương, giọt nắng, giọt tiềng chim hay giọt nước mắt hạnh phúc? Có lẽ, là tất cả!

Từ mùa xuân của thiên nhiên, trời đất, tác giả đã chuyển đổi góc nhìn sang mùa xuân của đất nước và con người:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.”

Những câu thơ đã khắc họa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ nơi tiền tuyến và những con người đang lao động nơi hậu phương. Dù là mùa xuân, người chiến sĩ ấy vẫn không quên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hay người nơi quê nhà vẫn không ngừng làm việc nơi đồng áng. Ấy thế mà, không khí xuân như dần hòa quyện với tâm hồn con người. “Lộc” theo bước chân người cầm súng ra trận, theo đôi tay người lao động trải dài nương lúa. Mọi miền đất nước giờ đây như được thấm đẫm không khí rộn ràng, hân hoan của mùa xuân:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.”

Chỉ bằng phép điệp cấu trúc “Tất cả…” và các từ thuộc cùng trường từ vựng “hối hả”, “xôn xao”, Thanh Hải đã nhẹ nhàng diễn tả không khí của đất nước bấy giờ. Cảnh đã sang xuân thì con người cũng không thể mà làm ngơ được, cũng dần hòa nhịp với niềm vui chung của đất trời.

Trong cái không khí rộn ràng, hân hoan ấy, Thanh Hải khẽ viết nên một nét nhạc trầm lắng khi hình ảnh đất nước thân thương được đưa vào câu thơ:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.”

Cả chặng đường hình thành và phát triển của đất nước như được gói gọn chỉ trong bốn câu thơ ngắn ngủi nhưng cũng rất cảm động. Dẫu có “vất vả và gian lao” nhưng “đất nước như vì sao” vẫn luôn tiến lên, luôn vận động và phát triển không ngừng vì đó chính là quy luật tất yếu của tạo hóa, từ đó nêu ra ý niệm định hướng, giục giã mọi người hăng say cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.”

Lúc này, tác giả trực tiếp thể hiện những mong muốn của bản thân. Nhà thơ muốn hóa thân thành con chim hót vang, muốn làm một bông hoa khoe sắc mỗi độ xuân về. Và đặc biệt hơn, ông muốn làm ‘một nốt trầm xao xuyến’ trong bản hòa ca chung của đất nước. Đó thực sự là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường và khát khao được cống hiến phần tinh tuý nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở mà không bị giới hạn bởi thời gian, tuổi tác :

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.”

Mùa xuân trong tâm thức của nhà thơ, tuy chỉ ‘nho nhỏ’ nhưng lại có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Mùa xuân vốn là từ chỉ ý niệm không gian thế mà giờ đây, mùa xuân như có hình, có khối, có thể chạm vào mà thưởng lãm hết vẻ đẹp tinh khôi ấy. Mùa xuân giờ đây đã vượt qua giới hạn của một ý nghĩa bình thường, nó đã trở thành một khát vọng, một lẽ sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường của Thanh Hải khi muốn góp sức mình vào việc xây dựng mùa xuân cho quê hương, đất nước. Điệp từ ‘dù là’ một lần nữa khẳng định khát khao được cống hiến cho đời của nhà thơ, dẫu có là bao nhiêu tuổi thì mong muốn đó vẫn luôn âm ỉ cháy miệt mài, không mệt mỏi.

Bài thơ khép lại bằng những câu thơ mang đậm âm hưởng của các làn điệu dân ca quen thuộc tại xứ ẩm mưa nhiều – Huế thương :

“Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế…”

Dù sử dụng thể thơ năm chữ – vốn là một thể thơ quen thuộc nhưng bản thân Thanh Hải đã sáng tạo rất nhiều trong từng hình ảnh, chi tiết. Không chỉ là một bài thơ bình thường, ‘Mùa xuân nho nhỏ’ như chứa nhạc điệu vừa trong sáng, vui tươi nhưng lại vô cùng thiết tha, trìu mến. Hình ảnh trong thơ được chắt lọc cẩn thận dù đó chỉ là những hình ảnh gần gũi, giản dị và rất đỗi mộc mạc, kết hợp với những so sánh và ẩn dụ sáng tạo đã tạo nên sự thành công lớn cho bài thơ.

‘Mùa xuân nho nhỏ’ luôn là một bức tranh tươi đẹp trong kí ức của độc giả yêu thơ văn. Với những giá trị mà bài thơ đã mang lại, có lẽ hàng chục năm sau, Thanh Hải nói chung và ‘Mùa xuân nho nhỏ’ nói riêng sẽ luôn sống trong trái tim của bao thế hệ đọc giả Việt Nam.

Các bạn vừa tham khảo bài văn Cảm nghĩ của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, văn lớp 9. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.

Exit mobile version