Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ đất nước [Văn lớp 12]

PHÂN TÍCH 9 CÂU ĐẦU BÀI THƠ ĐẤT NƯỚC

“Đất Nước tôi thon thả giọt đàn bầu…”

“Đất Nước” – hai tiếng ấy thật quá đỗi thiêng liêng và tự hào, nó đã trở thành đề tài muôn thuở trong cảm hứng của các văn nghệ sĩ. Bên cạnh Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi hay Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm cũng góp thêm ngòi bút của mình, hoàn thiện bức tranh lớn mang đề tài “Đất Nước”.

Phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ đất nước văn lớp 12

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ xứ Huế. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức cách mạng, thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chính trong hoàn cảnh đó, nhà thơ đã có những sáng tác lớn, phù hợp với tình hình đất nước mà trường ca “Mặt đường khát vọng” được sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên là một tác phẩm như thế. Trong đó, chín câu thơ đầu của chương V là những câu thơ rất hay thể hiện cái nhìn của tác giả về sự sinh thành và phát triển của đất nước.

Cảm hứng về quê hương, đất nước luôn là một cảm hứng bất tận đối với văn nghệ sĩ. Khi viết về đề tài này, tất cả các thi nhân đều có xu hướng ngợi ca, vì thế, đất nước hiện lên trong cảm quan của họ vô cùng kì vĩ, tráng lệ và có phần mơ hồ, trừu tượng. Tuy nhiên, sự lặp lại trong văn chương là điều tối kị, và nếu Nguyễn Khoa Điềm – người thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành khá muộn thì khi thể hiện đất nước như những gì các thế hệ đi trước đã làm, thơ văn của ông sẽ không thể bộc lộ những cái nhìn cá thể. Thế nhưng, ông lại là một nhà thơ xuất sắc khi trong trường ca “Mặt đường khát vọng” nói chung và trong chương V mang tên “Đất Nước” nói riêng, Đất Nước hiện lên qua những gì nhỏ bé, gần gũi, gắn bó vơi cuộc sống vật chất và tâm hồn của mỗi chúng ta.

Đầu tiên, Nguyễn Khoa Điềm đã giải thích sự sinh thành của Đất Nước:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi.

Đất Nước đã có từ rất lâu, rất xa mà không một ai có thể lí giải được sự hình thành của nơi thiêng liêng ấy mà chỉ có thể biết rằng, Đất Nước bắt đầu bằng những gì gần gũi hàng ngày:

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa..” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn.

Câu thơ tiếp theo như càng khẳng định sự tồn tại từ rất lâu, rất xưa của Đất Nước khi mà những câu chuyện thời viễn cổ đã góp mặt hình ảnh một dải đất thiêng liêng. Không chỉ có vậy, Đất Nước còn được “bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Đây là một sự lồng ghép rất tinh tế của nhà thơ khi mà đặt sự hình thành của Đất Nước vào sự hình thành những nét đẹp văn hóa. Miếng trầu là một nét đẹp trong văn hóa Việt, là sự khởi đầu trong giao tiếp “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Do đó, Nguyễn Khoa Điềm chọn hình ảnh này như một sự khơi gợi, một sự mở đầu đầy ý nhị để dệt nên câu chuyện về Đất Nước hào hùng.

Tiếp theo văn hóa, Đất Nước dần hoàn thiện hình hài thông qua sự hình thành những thuần phong mĩ tục:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên.

Những tập tục quen thuộc của người Việt như được nhà thơ cô đọng và dồn nén thông qua hình hài của Đất Nước. Đó là tục bới tóc sau đầu – một nét đẹp của người phụ nữ đôn hậu, đảm đang, cần cù, chịu thương chịu khó trong gia đình. Đó là tình cảm thủy chung, ân nghĩa trong cuộc sống của cha, của mẹ. Đó là hình ảnh cái kèo, cái cột ẩn dụ cho tục xây nhà dựng cửa, an cư lạc nghiệp. Tất cả những nét đẹp thuần phong mĩ tục ấy như một nét chấm phá, giúp cho Đất Nước vừa mang nét riêng nhưng lại rất đỗi thân thuộc với những con người sống trên đất Việt.

Nối tiếp sự ra đời và hình thành những yếu tố đầu tiên, Đất Nước trong nhà thơ xứ Huế tiếp tục được nuôi dưỡng và phát triển:

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Trong cuộc trường chinh vạn dặm, trải qua 4000 năm lịch sử, Đất Nước phát triển thông qua nhiều sự nghiệp. Đầu tiên, như đã đề cập, sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Đất Nước chính là mốc son đầu tiên đánh dấu sự phát triển ấy. Thuở ban đầu, dân ta với một lòng nồng nàn yêu nước nhưng thiếu trang bị vũ khí, chỉ có thể dựa vào những thân tre dẻo dai mà đương đầu với quân thù. Ấy thế mà, không một kẻ địch nào có thể làm dân ta phải khiếp sợ, quân xâm lược nào cũng bị đẩy lùi mà trở về nước. Có thế mới thấy, cùng với sự phát triển của nhận thức nhân dân về nền độc lập dân tộc thì Đất Nước cũng như được phát triển theo.

Song song với sự nghiệp bảo vệ độc lập, Đất Nước còn phát triển thông qua sự nghiệp lao động, sản xuất nhằm xây dựng quê hương:

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sang.

Chỉ với việc lồng thành ngữ “một nắng hai sương” vào trong câu thơ, người đọc như có thể thấy được những gian lao, vất vả của người lao động trong việc làm ra hạt gạo. Các công đoạn làm ra hạt gạo được liệt kê một cách chi tiết và tuần tự “xay, giã, giần, sàng” – đây đều là các công đoạn thủ công, người nông dân phải làm bằng chính sức lao động của mình cũng đủ phản ánh Đất Nước trong những buổi đầu tiên lạc hậu và nghèo khó như thế nào. Tuy nhiên, chính trong những khó khăn đó mà Đất Nước, cùng với Nhân Dân, đã không ngừng nỗ lực, phát triển để vươn tới một tầm cao mới trong tương lai.

Cuối cùng, như để kết luận về sự hình thành của Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm đã khép lại đoạn thơ bằng một câu rất đỗi nhẹ nhàng, mang chút không khí hoài niệm:

Đất Nước có từ ngày đó…

“Ngày đó” tức là một ngày xa xưa lắm mà không ai có thể biết rõ được. Câu thơ đặc biệt ở chỗ không khép lại bằng một dấu chấm mà lại được bỏ ngõ bởi dấu ba chấm như muốn kể tiếp câu chuyện còn dang dở. Những câu chuyện về Đất Nước trong 4000 năm hình thành và phát triển vẫn còn rất nhiều. Hơn nữa, chỉ bằng một dấu hiệu nhỏ như vậy, Nguyễn Khoa Điềm như muốn nhắn gửi hy vọng của mình về việc Đất Nước sẽ tiếp tục lớn mạnh và phát triển trong tương lai.

Nhìn lại khổ thơ, ta dễ dàng bắt gặp cụm từ Đất Nước được viết hoa toàn bộ. Đây là một ẩn ý của tác giả khi muốn thể hiện sự trân trọng, ngưỡng vọng, tự hào của mình đối với Đất Nước. Đất Nước hiện lên như một sinh thể độc lập, cũng có linh hồn, cũng sống một cuộc đời riêng nên rất đáng được nâng niu, trân quý.

Chỉ qua một đoạn thơ nhỏ trong một bài trường ca hào hùng nhưng Nguyễn Khoa Điềm luôn chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ cho từng nét bút. Ông sử dụng ngữ liệu văn hóa dân gian một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt và vô cùng sáng tạo, thêm vào đó là giọng thơ trầm lắng, trang nghiêm nhưng rất đỗi chân tình đã khiến bài thơ có một nét hấp dẫn của riêng mình.

Đã qua lâu rồi cái thời khói lửa, qua lâu rồi cái khoảnh khắc “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nhưng hình ảnh Đất Nước luôn là hình ảnh thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Nguyễn Khoa Điềm cùng với trường ca “Mặt đường khát vọng” nói chung và đoạn trích trên trong chương “Đất Nước” nói riêng xứng đáng là nhà thơ có nét cọ đặc sắc nhất trong bức tranh muôn màu mang tên “Đất Nước”.

Các bạn vừa tham khảo bài viết Phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ đất nước văn lớp 12. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.

Exit mobile version