Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu hay nhất của Nguyễn Khuyến [Văn lớp 11]

PHÂN TÍCH BÀI THƠ CÂU CÁ MÙA THU

Thu vốn là đề tài quen thuộc trong kho tàng thơ ca Việt Nam. Nếu như trong văn học hiện đại, ta có thể bắt gặp “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu hay “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh thì khi quay trở về thời kì trung đại, “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến như một nét mực hoàn thiện bức tranh mùa thu rực rỡ nhưng man mác một nỗi buồn.

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu hay nhất của Nguyễn Khuyến

Tam nguyên yên đỗ Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, là một nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Thơ văn của ông vừa mang màu sắc trào phúng, lại có bài nhuốm đậm vẻ đẹp trữ tình. Dù là bằng gam màu nào thì thơ văn của ông vẫn toát lên một nét rất riêng, làm say đắm biết bao thế hệ yêu nghệ thuật.

“Thu điếu” hay “Câu cá mùa thu” là bài thơ Nôm nổi tiếng, thuộc chùm thơ thu gồm ba bài của Nguyễn Khuyến là “Thu điếu”, “Thu ẩm” và “Thu vịnh”. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đã vẽ nên một bức tranh mùa thu trong và tĩnh, gần gũi với hình ảnh mùa thu thường thấy ở lảng quê Bắc Bộ:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Hai câu thơ, mười bốn từ nhưng các từ chứa vần “eo” đã chiếm một số lượng đáng kể, khi đọc lên ta có cảm giác không gian như co cụm lại, luồng khí thì lạnh lẽo và yên tĩnh đến lạ thường. Mùa thu đã đến qua những dấu hiệu của cảnh vật. Nước trong ao lạnh lẽo, mặt nước thì tĩnh lặng và trong xanh đến mức có thể thấy dưới đáy ao có những gì. Những tưởng trong không gian vắng lặng, tĩnh mịch đến mức u ám, ảm đạm thì một hình ảnh mới xuất hiện, xua tan đi vẻ hoang sơ tĩnh lặng: một chiếc thuyền câu bé nhỏ giữa mặt nước trong veo. Chiếc thuyền “tẻo teo” ấy trông thật xinh xắn, tuy bé nhỏ nhưng nó giúp cho không gian nơi đây thêm phần ấm cúng hơn, bởi trên chiếc thuyền, ắt hẳn có bóng dáng con người xuất hiện…

Không dừng lại ở đó, bức tranh thu còn được tác giả mở rộng hơn về chiều kích không gian:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”

Không gian tuy mở rộng với nhiều cảnh vật hơn nhưng sự tĩnh lặng của mùa thu vẫn không hề xoay chuyển. Mặt nước vẫn yên tĩnh đến lạ, chỉ có chút “gợn tí” bởi một cơn gió đầu thu. Cuốn mình theo cơn gió se se lạnh ấy là một chiếc “lá vàng…khẽ đưa vèo”. Nghệ thuật đối lập được sử dụng triệt để trong câu thơ này, giữa cái “khẽ” giữa chiếc lá rơi nhẹ nhàng với từ “vèo” đặc tả cho tốc độ rơi nhanh, một chiếc lá rơi rụng không thể nào xua tan đi cái sự tĩnh mịch vốn có của mùa thu nơi đây.

Những cảnh vật dưới mặt đất đã được đặc tả, tác giả tiếp tục hướng cái nhìn của mình lên khung trời rộng lớn bên trên, mở ra một không gian thoáng đãng:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”

Bầu trời xanh ngắt là một vẻ đẹp không thể nhầm lẫn của mùa thu. Trên không gian cao vút xanh trong ấy là những “tầng mây lơ lửng” tạo cảm giác bềnh bồng, nhẹ nhàng, có chút gì đó cô đơn, hiu quạnh khi trong không gian rộng lớn như vậy mà chỉ có một phần mây lẻ loi giữa trời. Chiều cao đã được mở rộng, không gian đã trở nên quang đãng, Nguyễn Khuyến lại xoay tầm mắt trở về mặt đất thân thuộc. “Ngõ trúc quanh co” cũng “vắng teo” người qua lại. Không gian quả thật là yên mịch quá đỗi…

Thế rồi, trong cái không khí se se lạnh bởi mùa thu ấy, hình ảnh con người cuối cùng cũng đã xuất hiện:

“Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Hai câu thơ cuối cùng này đã góp phần bộc lộ chân dung của tác giả. Trong những ngày cáo quan về ở ẩn, nhà thơ đã chọn cho mình một chiếc cần câu mà tạm quên đi việc dân, việc nước. Thế nhưng ông không thể nào chú tâm vào việc đi câu mà chỉ chú ý tới cảnh vật xung quanh, có lẽ trong thâm tâm ông, ông chỉ muốn có một không gian yên tĩnh để suy nghĩ về sự đời. Người câu cá như đang hòa làm một với thiên nhiên, như đang cô đơn, lạc lõng giữa dòng đời xô bồ, tấp nập.

Mùa thu qua “Câu cá mùa thu” dù rất tĩnh lặng, hiu hắt và có phần ảm đạm nhưng đâu đó vẫn mang những vẻ đẹp đặc trưng, rực rỡ đến lạ thường. Qua đó ta có thể thấy được tình yêu của nguyễn Khuyến đối với cảnh thu và một lòng nồng nàn hướng về đất nước không thể nào bị xóa mờ.

Các bạn vừa tham khảo bài văn phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến trong văn lớp 11. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.

Exit mobile version