Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Soạn bài Lão Hạc ngắn gọn, dễ hiểu [Văn lớp 8]

Mục Lục

SOẠN BÀI LÃO HẠC

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở Hà Nam.

– Đề tài sáng tác chính: người nông dân và tầng lớp trí thức nghèo.

– Các sáng tác chính: Lão Hạc, Đời thừa, Chí Phèo,…

2. Tác phẩm

– Là tác phẩm tiêu biểu được viết và đăng báo lần đầu năm 1943.

– Thể loại: truyện ngắn.

– Nhân vật chính: lão Hạc, ông giáo.

– Tóm tắt:

Lão Hạc là một người nông dân nghèo hiền lành chất phác, vợ mất sớm, con đi đồn điền cao su, chỉ còn lão với “cậu Vàng”. Lão hay sang chơi với ông giáo – vốn là một tri thức nghèo. Sau một lần ốm nặng, lão không đi làm được nữa, không còn tiền ăn nhưng lão không muốn động đến mảnh đất vốn là dành cho con trai lập nghiệp sau này. Lão quyết định bán cậu Vàng để xoay sở. Lão gửi tiền đó cho ông giáo, nhờ ông giáo lo ma chay cho lão sau này. Lão xin Binh Tư ít bả chó, và ông giáo đã rất buồn khi nghe chuyện này. Nhưng sau cùng, câu chuyện khép lại bằng cái chết đau đớn của lão Hạc mà chỉ có ông giáo và Binh Tư mới biết nguyên nhân của cái chết ấy.

II. Phân tích

1. Nhân vật lão Hạc

1.1. Hoàn cảnh: Ở một mình, vợ mất sớm, con bỏ đi làm đồn điền cao su, thường xuyên bệnh tật.

 Hoàn cảnh sống bất hạnh.

1.2. Tâm trạng của lão Hạc khi bán cậu Vàng

– Cậu Vàng có một vị trí vô cùng đặc biệt trong lòng lão Hạc, tuy chỉ là loài vật nhưng lão coi cậu Vàng chẳng khác nào một “đứa con cầu tự”.

– Nguyên nhân bán cậu Vàng: do cuộc sống quá nghèo, lão Hạc không muốn đụng vào mảnh đất sẽ để cho con trai lập nghiệp sau này.

– Cố làm ra vẻ vui vẻ trước mặt ông giáo.

– Cười như mếu, mắt ầng ậng nước.

– Mặt co dúm, nếp nhăn xô lại.

– Đầu nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít.

=> Tâm trạng buồn, ân hận, day dứt.

=> Nam Cao đã sử dụng nhiều từ ngữ giàu sức gợi cảm để lột tả tâm trạng đau đớn của lão Hạc trước việc bán đi cậu Vàng – người bạn thân nhất của lão.

1.3. Những ngày cuối đời của lão Hạc

– Gửi mảnh vườn cho ông giáo.

– Gửi tiền cho ông giáo để ông lo hậu sự giúp lão, không muốn phiền hà đến hàng xóm.

– Lão ăn những món ăn tự tạo: củ chuối, sung luộc, rau má, củ ráy, trai, ốc,…

=> Lão Hạc là một con người giàu lòng tự trọng, hết mực thương con, vì giữ mảnh vườn cho con mà tự ép mình phải sống những ngày cuối đời đầy khắc khổ.

1.4. Cái chết của lão Hạc

– Lão ăn bả chó để tự kết thúc cuộc dời mình.

– Lão vật vã, đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, quần áo xộc xệch, bọt mép sùi ra…

 Cái chết đau đớn, dữ dội, không có lối thoát.

2. Nhân vật ông giáo

– Ban đầu ông có thái độ dửng dưng trước cuộc đời và câu chuyện mà lão Hạc chia sẻ nhưng sau đó ông giáo lại thông cảm với những suy nghĩ của lão Hạc.

– Khi nghe tin lão Hạc xin Binh Tư bả chó, ông giáo rất buồn vì ông nghĩ rằng, lão Hạc theo gót Binh Tư đánh bả chó.

– Tuy nhiên, khi chứng kiến cái chết của lão Hạc và những việc mà lão Hạc đã làm vì con trai mình, ông giáo lại càng thương cảm và trân trọng lão Hạc hơn.

=> Nhân vật ông giáo thể hiện thái độ của nhà văn trước số phận đáng thương của một con người. Ông giáo, hay chính là Nam Cao, thể hiện sự cảm thông với tấm lòng của người cha hết mực yêu thương con và trân trọng vẻ đẹp của người nông dân giàu lòng tự trọng.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

– Nghệ thuật kể chuyện chân thật, tự nhiên.

– Kết hợp giữa tự sự, triết lý với trữ tình.

– Ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc.

2. Nội dung

Qua câu chuyện buồn về lão Hạc, tác giả đã khắc họa chân thật hình ảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945: khốn khổ, bần cùng, không lối thoát. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, người nông dân ấy luôn mang nhân cách và phẩm giá cao đẹp, không hề bị hoen ố dù trong hoàn cảnh khốn cùng.

Exit mobile version