Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ngắn [Văn lớp 9]

Mục Lục

SOẠN BÀI LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA

I. Tìm hiểu chung

  1. Tác giả

– Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tục gọi là Đồ Chiều, sinh tại Gia Định.

– Ông tích cực tham gia kháng chiến khi Thực dân Pháp xâm lược Nam Kì.

– Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc.

– Tác phẩm tiêu biểu: Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư Tiểu y thuật vấn đáp,…

2. Tác phẩm

– Truyện Lục Vân Tiên được ra đời vào khoảng những năm 50 của thế kỉ XIX.

– Viết bằng chữ Nôm, thể thơ lục bát.

– Văn bản “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” trích ở phần đầu tác phẩm “Lục Vân Tiên”.

soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

II. Phân tích

  1. Hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên

– “Vân Tiên ghé lại bên đàng

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Giang.”

Hành động anh hùng, tài ba, thể hiện chí khí nam nhi “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Lục Vân Tiên đánh trận được miêu tả theo kiểu cổ khi so sánh với hình mẫu anh hùng lý tưởng Triệu Tử Long đầy gan dạ và bản lĩnh.

– “Dẹp rồi lũ kiến chòm ong

Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?””.

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái, ta là phận trai.”

Chàng không những là người nghĩa hiệp mà còn là người từ tâm, nhân hậu, thấu hiểu lễ nghi, phép tắc của một bậc chính nhân quân tử trong xã hội phong kiến.

– “Vân Tiên nghe nói liền cười” : Nụ cười chân thành, đôn hậu, nụ cười trọng nghĩa khinh tài.

– ‘Làm ơn há dễ trông người trả ơn

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.’

Chàng quan niệm, là thân nam nhi, thấy việc nghĩa mà bỏ qua thì không đáng là kẻ anh hùng. Dù là việc lớn nhỏ, nếu là việc nghĩa thì phải ra tay mà hành hiệp.

=> Là người trọng nghĩa, khinh tài, làm việc nghĩa một cách vô tư không màng danh lợi, quan niệm ân nghĩa vô cùng đẹp đẽ. Lục Vân Tiên là một hình mẫu đẹp, là mẫu người anh hùng lý tưởng trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ và thể hiện niềm tin, khát vọng về xã hội công bằng của tác giả.

2. Hình ảnh nhân vật Kiều Nguyệt Nga

– ‘Thưa rằng : ‘Tôi Kiều Nguyệt Nga

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.’

Nàng là tiểu thư đài các, hiểu biết lễ nghi, hiếu thảo và vâng lời bậc sinh thành.

– ‘Trước xe quân tử tạm ngồi

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.’

Nàng là người có học thức, thùy mị, nết na, cách xưng hô ‘tiện thiếp – quân tử’ là cách nói vừa khiêm nhường, vừa thể hiện tấm lòng cảm kích, xúc động trước ơn nghĩa của chàng Vân Tiên.

– ‘Hà Khê qua đó cũng gần

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi ?’

Nàng là người chịu ơn cứu mạng, nàng băn khoăn không biết phải lấy gì để báo đáp ân tình quân tử. Bởi thế, nàng quyết định gắn bó cuộc đời mình với chàng trai nghĩa hiệp và sẵn sàng liều mình bảo vệ ân tình thủy chung với chàng. Đây cũng chính là nét đẹp tâm hồn của Kiều Nguyệt Nga khiến người đọc phải cảm mến.

III. Tổng kết

  1. Nghệ thuật

– Sử dụng thể thơ lục bát điêu luyện, dễ đi vào lòng người đọc.

– Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, mang đậm tính Nam Bộ nhưng cũng toát lên khí chất của bậc anh hùng.

2. Nội dung

Qua hình ảnh người anh hùng Lục Vân Tiên, tác giả Đồ Chiểu đã phác họa chân dung con người Nam Bộ khí chất, hiên ngang, sẵn sàng hành hiệp trượng nghĩa, qua đó gửi gắm ước mơ về một xã hội tươi đẹp, luôn có các bậc chính nhân quân tử. Bên cạnh đó, hình ảnh Kiều Nguyệt Nga hiện lên như một nét đẹp cho cốt cách của người phụ nữ Việt Nam.

Trên đây là phần soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong văn học lớp 9. Chúc các bạn học tốt ngữ văn nhé.

Exit mobile version