Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Soạn bài tức nước vỡ bờ hay nhất [Văn lớp 8]

Mục Lục

SOẠN BÀI TỨC NƯỚC VỠ BỜ

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Ngô Tất Tố (1893 – 1954) quê tỉnh Bắc Ninh, là một nhà văn hiện thực xuất sắc viết về nông thôn trước Cách mạng.

– Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 1996.

– Tác phẩm tiêu biểu: Tắt đèn, Sống chết mặc bây, Việc làng,…

2. Tác phẩm

– Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” nằm trong chương XVIII của tác phẩm “Tắt đèn”.

3. Tóm tắt

Gia đình chị Dậu đã dứt ruột bán con mà chưa đủ tiền nộp sưu. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai lôi ra đình, đánh cho dở sống dở chết. Được bà hàng xóm cho bát gạo, chị Dậu vừa nấu xong nồi cháo thì cai lệ và người nhà lí trưởng ập đến. Mặc dù chị Dậu hết lời van xin, cai lệ vẫn toan hành hạ anh Dậu. Chị Dậu xông vào đỡ tay, bị cai lệ đánh, và chị đã túm cổ đẩy tên này ngã chổng quèo. Người nhà lí trưởng sấn sổ giơ gậy định đánh thì bị chị Dậu túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.

II. Phân tích

1. Bọn tay sai (cai lệ và người nhà lý trưởng)

1.1. Ngoại hình: Béo khỏe, nghiện ngập

1.2. Thái độ, cử chỉ, hành động

– Hầm hập tiến vào nhà chị Dậu với những roi song, tay thước, dây thừng.

– Thét lên, trợn ngược hai mắt, quát ầm lên.

– Bịch vào ngực, tát vào mặt chị Dậu.

=> Hành động hung hăng, côn đồ, đặc trưng cho kiểu hành động của bọn thống trị với người dân nghèo trong xã hội cũ.

1.3. Lời lẽ

– “Mày định nói cho cha mày nghe à?…”

– “Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua rồi chứ?”

– “Không có tiền thì ông dỡ cả nhà mày…”

=> Lời lẽ hách dịch, khinh miệt người khác.

=> Chúng là những tên hung hãn, hống hách, tàn ác, là công cụ đắc lực của bọn thống trị. Qua hình ảnh của bọn cai lệ và người nhà lý trưởng, Ngô Tất Tố đã lột tả bộ mặt thật của xã hội nửa thực dân nửa phong kiến tàn ác, chỉ xem người dân là công cụ để bóc lột và hành hạ.

2. Nhân vật chị Dậu

2.1. Đối với chồng con: Yêu thương, hết mực chăm sóc và bảo vệ chồng con.

2.2. Đối với bọn tay sai: Quyết liệt, phản kháng mạnh mẽ nhưng cũng toát lên vẻ nhẫn nhục, dịu dàng của người phụ nữ.

– Khi hai tên tay sai “sầm sập tiến vào”, nhận thấy mối nguy đang đe dọa chồng chị Dậu, chị đã đứng ra đối phó bảo vệ sự sống cho chồng.

– Ban đầu, chị “thiết tha van xin” bọn chúng tha mạng cho anh chồng bằng những lời lẽ của kẻ bề dưới (gọi ông – xưng con).

– Nhưng sau đó, khi bọn cường hào không để tâm đến lời van xin của chị mà cứ “mắt trợn ngược”, “quát, mắng” rồi những quả bịch vào ngực chị, sau lại chồm đến anh Dậu thì lúc này chị “hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại.” Việc “cự lại” của chị có hai mức độ:

+ “Cự lại” về lí: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Lúc này, chị Dậu đã có những thay đổi đầu tiên, trước hết là về cách xưng hô ông – tôi, tức là chị đặt mình ngang hàng với bọn cai lệ và người nhà lý trưởng. Chị và chúng cũng là con người, nên chị đang nói với chúng những lý lẽ bình thường mà con người nào cũng phải biết. Chị giờ đây không còn van xin, mà đang đưa ra những lời cảnh cáo đanh thép đầu tiên.

+ Nhưng khi “lí” không thể ngăn cản tên cai lệ “tát vào mặt chị cái bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu” thì chị thực sự bật dậy với tất cả bản năng của một người vợ có chồng đang lâm vào hoàn cảnh nguy kịch:

• Chị “nghiến hai hàm răng”, tức là không thể kiềm nén sự tức giận thêm được nữa.

• Chị ném ra lời thách thức quyết liệt, dữ dội: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Lúc này, chị đặt mình cao hơn bọn ác ôn khi xưng hô mày – bà, tức ở đây, chị Dậu là người có quyền quyết định mọi việc.

• Chị Dậu ra tay với toàn bộ sức mạnh của người phụ nữ lực điền, có chồng bị hành hạ, ẩn chứa sự căm thù, phẫn nộ: “Túm ngay cổ” tên cai lệ, “ấn dúi ra cửa” làm cho “hắn ngã chỏng queo”.

=> Hành động liều lĩnh, mang tính tự phát, bởi trước sau gì chị vẫn chỉ là nạn nhân của bọn cường hào ác bá – hay đúng hơn là của xã hội nửa thực dân nửa phong kiến. Tuy nhiên, ta lại thêm kính nể trước sức mạnh của chị, để rồi thêm yêu quý con người đáng thương đang vùng vẫy trước số phận tăm tối ấy “Thà ngồi tù chứ không cho chúng làm tình làm tội mãi, tôi không chịu được.”

3. Ý nghĩa của nhan đề

Cũng như một quy luật của tự nhiên “tức nước vỡ bờ”, nếu con người – cụ thể ở đây là người nông dân trong xã hội nửa thực dân nửa phong kiến – bị áp bức quá sức chịu đựng thì họ sẽ vùng lên đáp trả, đấu tranh vì chính cuộc sống của họ, á bức càng mạnh thì đấu tranh càng dữ dội. Và bản thân họ sau này cũng nhận ra rằng, con đường duy nhất thoát khỏi sự áp bức bóc lột tàn ác của bọn cường hào ác bá, chỉ có thể là đấu tranh mà thôi.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

– Nghệ thuật khắc họa nhân vật rõ nét.

– Tình huống truyện kịch tính.

– Cách kể chuyện, miêu tả nhân vật chân thực, sinh động.

2. Nội dung

Đoạn trích đã phần nào phác họa cuộc sống tăm tối của người nông dân trong xã hội nửa thực dân nửa phong kiến: vừa nghèo đói, vừa bị áp bức dã man, để rồi từ đó nêu bật lên quy luật: ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Hơn thế nữa, Ngô Tất Tố còn rất thành công trong việc lột tả vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội tăm tối ấy – đó là những người phụ nữ hết mực yêu chồng thương con, dịu dàng, nhẫn nhục, giàu đức hy sinh nhưng cũng rất mạnh mẽ và quyết liệt trước cường hào ác bá.

Exit mobile version