Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Thuyết minh về cây lúa nước [Ngữ Văn lớp 9]

THUYẾT MINH VỀ CÂY LÚA NƯỚC

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.”

Cây lúa nước đã không còn xa lạ với đất nước Việt Nam – một đất nước nông nghiệp gắn liền với nền văn minh lúa nước. Đã tự nghìn xưa, lúa nước là nguồn lương thực, là niềm tự hào mà con người luôn trân quý và tìm cách trồng trọt cho hiệu quả.

Như tên gọi, lúa nước sống chủ yếu nhờ nước, thiếu nước thì việc trồng lúa cũng không thể mang lại năng suất cao được. Lúa nước thuộc loại cây một lá mầm, rễ chùm và không dài lắm, bám chặt vào bùn để hút chất dinh dưỡng và giữ cho cây không bị ngã đổ. Là loài thực vật thân thảo, thân lúa tương đối mềm, tròn và chia thành nhiều lóng. Thân lúa rỗng, chỉ đặc tại phần mắt lóng. Thân cây có chiều rộng từ 2 đến 3cm, chiều cao khoảng từ 60 đến 80cm khi đã trưởng thành. Mềm xốp là vậy nhưng thân lúa mang trên mình biết bao nhiêu là lá, là hạt trĩu nặng. Lá lúa dài mỏng, mọc bao quanh thân, có gân song song, khi sờ vào tạo cảm giác nham nhám. Lá lúa đẹp, như một biểu tượng của người dân lao động, hiên ngang bất khuất mà vươn thẳng giữa trời. Sự đổi màu của lá lúa cũng vô cùng rực rỡ và ấn tượng. Khi còn là mạ và ra đòng, lá lúa khoác lên mình một màu xanh lá vô cùng mượt mà. Nhưng khi hạt lúa đã vàng, mùa thu hoạch đã đến, hàng loạt thân và lá đều thay cho mình tấm áo vàng rực rỡ, nhuộm cả cánh đồng bao la trong vẻ óng ánh vô ngần.

Vẻ đẹp của cây lúa không dừng lại ở đó mà nó còn toát ra qua hình ảnh những chùm hoa lúa hay từng chùm hạt căng tròn ngày thu hoạch. Hoa lúa nhỏ, kết thành chùm dài. Mang danh là “hoa” nhưng hoa lúa không có cánh hoa mà chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhụy ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhụy thò ra ngoài, chỉ thấy một chùm lông để quét hạt phấn. Lúa là loài cây tự thụ phấn, nên hoa lúa sau một thời gian cũng biến thành quả mà ta quen gọi là hạt. Hạt lúa khi còn non, bên trong chỉ là phần chất dinh dưỡng ở dạng lỏng, ngọt ngào như dòng sữa mát trong. Qua thời gian, qua sự chăm sóc,…hạt lúa lớn dần, lớn dần và phần chất dinh dưỡng trong lớp vỏ kia cũng biến thành một hạt gạo đúng nghĩa. Cũng như lá lúa, hạt lúa báo hiệu việc đã chín của mình bằng cách thay lớp vỏ xanh mượt bằng chiếc áo dát vàng óng ánh. Thời khắc ấn tượng đó cũng chính là lúc người nông dân vui mừng nhất, vì sau bao vất vả dãi dầu mưa nắng, công sức của họ cũng đã được đền đáp.

Mọi bộ phận trên cây lúa nước đều có lợi ích của nó. Lúa non được dùng để làm cốm – một thức quà thơm ngon nức tiếng ở Việt Nam. Hạt lúa sau khi được gặt về, quá trình xay sẽ tách chúng thành hai phần: gạo và trấu. Gạo là một trong những nguồn lương thực chủ yếu trên thế giới, duy trì cuộc sống của con người. Còn phần trấu, bạn đừng vội bỏ đi nhé! Trấu dùng để làm phân bón cho cây cối, làm nguyên liệu để đốt hoặc làm ổ gà, ổ vịt trong mùa lạnh cũng vô cùng hiệu quả. Phần thân lúa sau khi đã lấy hết phần hạt chính là rơm, dùng để làm thức ăn cho gia súc, ủ gốc cây, làm chất đốt, để lợp nhà hay thậm chí làm ổ cho vật nuôi nữa… Lúa nước quả đúng là có nhiều công dụng hữu ích!

Nếu bạn tìm hiểu kĩ, riêng tại Việt Nam đã có hơn ba mươi loại giống lúa khác nhau. Và quan trọng hơn hết, đất nước ta từ một đất nước thiếu ăn, nghèo nàn lạc hậu, nay đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Đây quả là thành tựu đáng tự hào, là một động lực thúc đẩy người nông dân nói riêng và đất nước ta nói chung phát triển hơn trong tương lai.

Lúa nước đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền nông nghiệp cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc. Hình ảnh những cánh đồng lúa bạt ngàn mãi mãi là hình ảnh đẹp khi nhắc tới làng quê Việt Nam, như câu ca dao mà người đời ca ngợi:

“Nhờ trời mưa gió thuận hòa

Lúa vàng đầy ruộng, lời ca vang đồng.”

Trên đây là bài thuyết minh về cây lúa nước trong phần ngữ văn lớp 9.

Exit mobile version