Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam hay nhất [Văn lớp 9]

THUYẾT MINH VỀ CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM

Nếu như quốc phục của Nhật Bản là kimono, Hàn Quốc là hanbok, Ấn Độ là Sari,…thì tại Việt Nam, ắt hẳn tà áo dài duyên dáng, thướt tha chính là trang phục chứa đựng cả tâm hồn và lịch sử của dân tộc.

Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam hay nhất

Áo dài ra đời chính thức vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu, áo dài có thiết kế tương tự như áo tứ thân, dần dà được cải tiến và có hình dạng như ngày hôm nay. Như tên gọi, áo dài có cấu tạo chính gồm hai tà dài đến tận mắt cá chân. Phần thân trên được may khít với thân hình người phụ nữ làm nổi bật vòng eo thon gọn, còn phần tà dưới không được may cố định mà để hai vạt xẻ ra như vậy, phần xẻ vạt này nằm ở hai bên hông. Đây chính là điểm khác biệt của áo dài mà các trang phục khác không thể nào có được. Phần cổ áo dài ban đầu là cổ đứng, cao nhằm tôn lên vẻ đẹp kín đáo của người phụ nữ. Sau này, khi phong tục tập quán đã phóng khoáng hơn, văn hóa bên ngoài cũng du nhập vào thì phần cổ được cải biên đa dạng hơn, nhưng là dù cổ thuyền hay cổ chữ V thì chiếc áo dài vẫn giữ được nét đẹp duyên dáng. Cúc áo thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống tận phần eo. Tay áo thường dài đến cổ tay, có người cách tân hơn thì chỉ may đến khuỷu, thâm chí là ngắn hơn. Kết hợp với tà áo dài thướt tha là chiếc quần chấm gót chân với phần ống được may khá rộng. Cả hai phần kết hợp lại tạo thành một bộ áo dài hoàn chỉnh, khi khoác lên người phụ nữ lại càng tôn lên sự thướt tha, duyên dáng và thanh lịch.

Áo dài thường được may bằng vải voan hay lụa, còn vải mềm, rũ lại được ưu tiên dùng để may quần. Ngày xưa, khi trang phục còn đơn giản, vải may áo dài thường đơn sắc rực rỡ kết hợp với chiếc quần đen hay trắng. Nhưng ngày nay, với nhu cầu làm đẹp ngày càng nâng cao, phần vải may áo dài đã được đính hạt, thêu thùa với biết bao họa tiết xinh đẹp như hoa lá, chim muông,…với những chiếc quần bóng mang màu sắc hài hòa với chiếc áo. Đa dạng như vậy nên người mặc phải lựa chọn cho mình những chiếc áo dài có hoa văn, màu sắc phù hợp với tuổi tác, sở thích và hoàn cảnh mà mình sẽ sử dụng.

Chiếc áo dài ngày nay không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, tết mà nó còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều trường cấp Ba trong cả nước đã lựa chọn áo dài là đồng phục chính cho nữ sinh, hay áo dài cũng là trang phục công sở đối với một số nghề nghiệp đặc thù như nhà giáo, tiếp viên hàng không, nhân viên nhà hàng, khách sạn,…Ngoài ra, tà áo dài còn là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những buổi tiệc hay những khi đi dạo phố, vừa thanh lịch, duyên dáng nhưng cũng rất thời trang và bắt mắt.

Do được may bằng chất liệu mềm mịn nên người dùng phải bảo quản áo dài cẩn thận để có thể sử dụng được dài lâu. Áo phải được giặt bằng loại xà phòng phù hợp với từng chất liệu, phơi khô, treo bằng móc tại nơi khô ráo, thoáng mát. Khi phơi cần tránh phơi nơi nắng gắt để tránh việc áo dài bị bạc màu…Và quan trọng hơn hết, một chiếc áo dài đẹp là một chiếc áo dài vừa vặn nên khi may đo phải thật chính xác.

Chiếc áo dài bên cạnh chiếc nón lá chính là một vẻ đẹp truyền thống tao nhã, thướt tha của người phụ nữ Việt. Ngày nay, khi trang phục ngày càng đa dạng, chiếc áo dài cũng không còn thông dụng như xưa nhưng tà áo duyên dáng đó luôn là trang phục truyền thống mà không một váy áo hiện đại nào có thể thay thế được.

Các bạn vừa tham khảo xong bài thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam của một bạn lớp 9. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.

Exit mobile version