Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Thuyết minh về Nguyễn Du – Tác giả Truyện Kiều

THUYẾT MINH VỀ NGUYỄN DU

Trong nền văn học Việt Nam đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ lỗi lạc được người đời truyền tụng và yêu mến. Đó là một Nguyễn Trãi tài ba khí phách, một Nguyễn Đình Chiểu hết lòng vì nhân dân…và không thể không nhắc đến Nguyễn Du – một đại thi hào lớn của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới và cũng là một nhà nhân đạo lỗi lạc.

Thuyết minh về Nguyễn Du

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long nhưng quê gốc của ông lại ở Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới thời vua Lê – chúa Trịnh. Gia đình ông có truyền thống yêu chuộng văn học, rất sành thơ Nôm, thích hát xướng. Có lẽ đây chính là chiếc nôi đầu tiên nuôi dưỡng tâm hồn thơ văn của tác giả để sau này ông có thể viết nên những áng văn thơ lay động lòng người.

Cuộc đời của Nguyễn Du là những chuỗi ngày sóng gió và đầy bất trắc. Dẫu thuở nhỏ được sống trong nhung lụa nhưng ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới chỉ mười tuổi và phải sống nhờ vào người anh cùng cha khác mẹ. Ông cũng đi thi, cũng làm quan nhưng thời thế loạn lạc đã đẩy ông vào con đường khốn khó, cơ cực. Hơn mười năm chìm nổi long đong ngoài đất Bắc, Nguyễn Du sống gần gũi nhân dân và thấm thía biết bao nỗi ấm lạnh kiếp người, đặc biệt là người dân lao động, phụ nữ, trẻ em, cầm ca, ăn mày… những con người “dưới đáy” xã hội. Chính nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời đã hun đúc nên thiên tài Nguyễn Du – nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

Nguyễn Du là một người thanh liêm, sống thầm lặng, hết sức khinh bỉ bọn quan lại chỉ biết vinh thân phì gia, không lo gì đến việc dân, việc nước. Suốt cuộc đời ông sống trong bi kịch, dẫu xuất thân trong gia đình quý tộc nhưng cơn lốc lịch sử đã hất đổ hết lầu son gác tía mà đẩy ông vào cuộc sống lay lắt, lưu lạc, tha hương. Tố Như đã sống như một người dân thường giữa thế gian và nhờ thế ông thông cảm sâu xa với mọi kiếp người bị đày đọa. Ông nhìn đời với đôi mắt của một người phải chứng kiến nhiều giông tố và nhờ đó, tác phẩm của ông hàm chứa một chiều sâu chưa từng có trong văn thơ Việt Nam.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du là một bước đường dài, vừa chen lẫn đắng cay nhưng cũng rất thành công rực rỡ. Về chữ Hán, Nguyễn Du có ba tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Còn về thơ chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác là “Truyện Kiều” và “Văn tế thập loại chúng sinh”.

Trước hết, ông là nhà thơ có khuynh hướng hiện thực sâu sắc, toàn bộ sáng tác của ông dù rất đa dạng đa dạng nhưng sự khốc liệt của hiện thực vẫn bao trùm tất cả. Tố Như lúc nào cũng nghĩ về hiện thực cuộc sống với những vấn đề nhức nhối của nó, và ông đã dùng thơ ca để thể hiện một cách chân thật những suy nghĩ này. Tuy vậy, ông không nhắm mắt buông xuôi mà lúc nào cũng lên án xã hội bất công, đen tối.

Chính vì chứng kiến những cảnh đời bất hạnh và xã hội mục rữa, đen tối, Nguyễn Du luôn mang trong mình một tư tưởng hướng về nhân dân và bản thân ông chính là một nhà thơ nhân đạo vĩ đại. Ông quan tâm sâu sắc tới thân phận con người, đặc biệt là số phận bất hạnh của người phụ nữ bị chà đạp dưới thời đại phong kiến:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Tố Như đã vượt qua những ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn đến khẳng định giá trị tự thân của con người. Ông luôn khẳng định hạnh phúc trần gian của con người làm nền tảng, do đó thơ văn của ông chẳng khác nào những bài ca khóc thương cho con người nơi thế tục.

Về mặt nghệ thuật, thơ Nguyễn Du cũng mang những nét đẹp hết sức riêng biệt. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du giản dị mà tinh luyện, tài hoa. Thơ Nôm Nguyễn Du thực sự là đỉnh cao rực rỡ. Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình hai thể thơ dân tộc: lục bát (Truyện Kiều) và song thất lục bát (Văn tế thập loại chúng sinh). Đến Nguyễn Du, thơ lục bát và song thất lục bát đã đạt đến trình độ hoàn hảo, mẫu mực, cổ điển. Trong thơ Tố Như, ngôn ngữ văn học như trở nên đẹp đẽ hơn khi mà tỉ lệ từ Hán Việt giảm hẳn, câu thơ tiếng Việt của ông vừa bình dị, dễ hiểu, vừa trang nhã, diễm lệ nhờ vần luật chỉnh tề, ngắt nhịp đa dạn, tiểu đối phong phú, biến hóa. Có thể nói, thơ ca Nguyễn Du xứng đáng là đỉnh cao của tiếng Việt văn học trung đại.

Nguyễn Du xứng đáng là một tượng đài trong văn học Việt Nam bởi những gì mà ông đã cống hiến để rồi ngàn đời sau, người đời luôn nhớ đến ông như một nhà nhân đạo đáng ngưỡng mộ:

“Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân

Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều.”

Các bạn vừa đọc xong bài viết thuyết minh về Nguyễn Du – Tác giả Truyện Kiều. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.

Exit mobile version