Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Thuyết minh về tết nguyên đán Việt Nam – Ngày tết cổ truyền của dân tộc

THUYẾT MINH VỀ NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN

Nếu các nước phương Tây xem Giáng sinh là dịp lễ lớn nhất trong năm thì các nước phương Đông, hay cụ thể là Việt Nam, thì Tết Nguyên đán chính là thời khắc quan trọng nhất. Đây chính là khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới, là thời gian để mọi người tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội…

Thuyết minh về tết nguyên đán Việt Nam

Tết Nguyên đán được tính từ khoảng hăm ba tháng Chạp âm lịch, và thường rơi vào giữa tháng hai dương lịch. Tuy nhiên, học sinh và công nhân, viên chức thường được nghỉ trước đó vài ngày và kì nghỉ thường kéo dài từ khoảng bảy đến mười ngày. Vốn là dịp lễ quan trọng nhất trong năm và nhiều phong tục diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán nên việc chuẩn bị trong thời gian này khá vất vả.

Vào ngày hăm ba tháng Chạp, các gia đình sẽ làm mâm cơm tiễn ông Táo về trời, đây cũng có thể được xem là ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau đó, cả nhà tập trung vào việc dọn dẹp, sắm sửa để chuẩn bị cho một năm mới đủ đầy và tươm tất. Các gia đình sau khi quét dọn sạch sẽ, họ sẽ treo biết bao là câu đối, treo tranh, mua hoa về cắm tại những vị trí đẹp nhất trong nhà. Tiếp sau đó, bà và mẹ sẽ chuẩn bị những món ăn truyền thống để bày biện lên mâm cơm cúng tổ tiên. Nào là bánh chưng, bánh dày, nào là thịt kho, chả lụa,…được chuẩn bị vô cùng kì công và ngon miệng. Không những thế, mâm ngũ quả ngày tết cũng là một nét đẹp không thể bỏ qua trong dịp này.

Tùy từng vùng miền mà các loại trái cây có mặt trên bàn thờ có thể sẽ khác nhau, nhưng tựu chung lại thường có đu đủ, mãng cầu, xoài, thơm,…với mong muốn sẽ có một năm đầy đủ, sung túc. Nhưng, điều đẹp nhất trong thời gian này chính là sự góp mặt của các loại hoa đặc trưng dịp tết, sắc mai vàng rực rỡ ở miền Nam và màu hồng tơi thắm của hoa đào miền Bắc. Cứ khi thấy những cánh hoa hé nụ là chúng ta có thể biết rằng, một năm mới đầy niềm vui đang dần gõ cửa!

Đêm ba mươi là thời khắc mà ai ai cũng trông đợi. Tiết trời trong đêm ba mươi lạnh hơn trước, hoa mai hoa đào cũng đã bung nhụy đón xuân sang. Đến gần nửa đêm, bà hoặc mẹ sẽ chuẩn bị một mâm cơm tất niên, tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới. Thời khắc ấy sao mà thiêng liêng quá đỗi! Cả không gian như bị choáng ngợp bởi hương nhang thơm dìu dịu, không khí se se lạnh và tâm trạng náo nức đón chờ năm mới của con người. Đúng mười hai giờ đêm, từng loạt pháo hoa vụt sáng giữa bầu trời đen tối. Pháo hoa lung linh và rực rỡ quá! Năm mới cuối cùng cũng đã về sau bao nhiêu ngày mong đợi!

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình đoàn tụ. Dù đi học hay đi làm, dù ở gần nhà hay xa xứ, cứ đến dịp này, ai cũng tạm gác công việc bận rộn để về ăn bữa cơm đầu năm mới. Sau khi ăn cơm, trẻ con sẽ mừng tuổi ông bà, cha mẹ và những người lớn trong gia đình với lời chúc dồi dào sức khỏe và làm ăn phát đạt. Đáp lại lời chúc ấy, người lớn cũng chuẩn bị ít tiền trong bao lì xì đỏ xinh xắn để mừng tuổi và chúc các em có một năm học hành thuận lợi.

Tết Nguyên đán đã trở thành một nét đẹp, một phong tục không thể thay thế trong đời sống tinh thần của người Việt. Không khí đầm ấm, vui vẻ đã trở thành một niềm hân hoan, háo hức trong tâm trí của biết bao thế hệ con người Việt Nam.

Các bạn vừa đọc xong bài viết thuyết minh về tết nguyên đán. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.

Exit mobile version