Site icon Chiase69.com Blog Chia sẻ thông tin tổng hợp hữu ích

Những Tác Hại Và Biến Chứng Của Bệnh Cao Huyết Áp

Sau đây, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu những tác hại và biến chứng của bệnh cao huyết áp là như thế nào để có thể tìm ra cách phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời.

NHỮNG TÁC HẠI CỦA CAO HUYẾT ÁP

Bệnh cao huyết áp tiến triển lâu ngày sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan trong cơ thể được gọi là các cơ quan đích, đáng chú ý là: Động mạch: Áp lực tăng thường xuyên của dòng máu khi qua các động mạch sẽ làm thay đổi cấu trúc các thành mạch, lớp cơ của thành mạch sẽ dày lên, các tổ chức liên kết phát triển nhằm làm cho thành mạch chắc hơn đủ sức chịu đựng áp lực tăng cao của dòng máu. Tuy vậy, sự thích nghi đó cũng dẫn đến những hậu quả xấu là làm hẹp lòng và làm giảm tính đàn hồi, mạch máu bị xơ cứng nhất là đối với các tiểu động mạch cản trở máu đến các tổ chức, ngoài ra lại làm tăng sức cản ngoại vi và càng làm tăng thêm huyết áp.

Áp lực tăng của dòng máu còn gây ra tổn thương cho lớp nội mạc thành mạch, các tế bào dễ bị hư hỏng hoặc giảm chức năng bảo vệ thành mạch, dễ bị vữa xơ động mạch ở các động mạch lớn và vừa. ở động mạch chủ nếu có mảng vữa xơ bị loét, dòng máu có áp lực cao do bệnh cao huyết áp có thể làm cho máu lọt vào giữa các lớp của thành mạch, tách dọc các lớp đó ra gây nên biến chứng phòng tách động mạch rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Với bệnh nhân cao huyết áp, khám mạch quay và các mạch khác thấy căng cứng, lắn dưới tay ngoằn ngoèo. Khám đáy mắt, có thể thấy tổn thương động mạch như động mạch nhỏ và dáng cứng, đè lên tĩnh mạch, có những tổn thương nặng hơn như xuất tiết, xuất huyết võng mạc.

Kiểm tra X-quang động mạch chủ, thấy quai động mạch chủ vồng nhô cao, dải rộng và to hơn so với những người bình thường.

Tim: Cao huyết áp làm cho tim, nhất là thất trái phải làm việc trong điều kiện có áp lực máu cao ở trong các động mạch lớn nên buộc phải tăng co bóp để thắng lực cản nhằm đưa được máu qua động mạch chủ, nghĩa là phải tăng công cơ của tim để duy trì tuần hoàn; nếu huyết áp tăng liên tục như trong bệnh tăng huyết áp thì sẽ gây quá tải liên tục cho tim. Để đảm bảo cho việc tăng công đó, tim mà trước hết là thất trái buộc phải thích ứng, nghĩa là phải dày, to ra dần; trên phim chụp X-quang, trên siêu âm cũng như trên điện tim, dấu hiệu này ngày càng rõ.

Tuy nhiên, thất trái to cũng chỉ đến một giới hạn nhất định, nếu không điều trị thì chức năng co bóp sẽ bị tổn thương, thất dần dần sẽ bị giãn, giảm khả năng tống máu đi và sẽ xuất hiện suy tim. Trong suy tim, máu tống đi trong thì tâm thu không hết nên ứ lại trong thất trái rồi phía trên thất như trong nhĩ trái rồi trong tĩnh mạch phổi, mao mạch phổi, từ đó thấm vào tổ chức kẽ xung quanh các phế nang và vào cả phế nang, cản trở việc trao đổi oxy và thoát khí, làm cho bệnh nhân khó thở.

Suy tim lúc đầu chỉ tiềm tàng và khu trú bên tim trái, bệnh nhân thường không để ý vì chỉ có khó thở nhẹ khi gắng sức, sau tăng dần làm giảm khả năng hoạt động thể lực, bị khó thở khi gắng sức vừa và khó thở cả khi nghỉ ngơi. Trong cơn cao huyết áp kịch phát có thể xảy ra cơn hen tim, nặng hơn nữa là cơn phù phổi cấp tính đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. Suy tim trái cũng có thể tiến triển thành suy tim toàn bộ khi tim phải cũng bị ảnh hưởng, lúc đó sẽ thấy tĩnh mạch cổ nổi to, gan to, phù hai chi dưới…

Tim to còn đòi hỏi máu qua động mạch vành là động mạch nuôi cơ tim đến nhiều hơn nhưng về lâu dài khả năng này dễ bị hạn chế vì động mạch đã bị hẹp và xơ cứng do bản thân bệnh nhân cao huyết áp gây nên, lại càng bị hạn chế nếu động mạch vành bị thêm vữa xơ động mạch, hậu quả là cơ tim càng dễ bị thiếu máu, dễ xảy ra rối loạn chuyển hóa trong cơ tim có khi nghiêm trọng, là nguồn gốc của rối loạn nhịp tim phức tạp như ngoại tâm thu… và làm sức co bóp cơ tim càng bị giảm.

Tai biến mạch vành như cơn đau thắt ngực sẽ xuất hiện khi một khu vực của cơ tim bị thiếu máu nặng, một chỗ của động mạch vành bị hẹp >75% lòng mạch không bảo đảm cung cấp đủ máu đến các tế bào. Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cũng xảy ra khi có thêm biến chứng đông máu làm tắc mạch đó đột ngột. Cao huyết áp đã được coi là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong bệnh thiếu máu cơ tim do vữa xơ động mạch, người ta đã thấy nguy cơ tai biến mạch vành tăng song song với mức huyết áp, nghiên cứu ở Pramingham (Hoa Kỳ) đã cho thấy nguy cơ đó tăng lên đến bốn lần nếu huyết áp tâm thu từ 120 leniso mmHg. Nhiều nghiên cứu ở các nước trong những năm qua cũng khẳng định chỉ riêng thất trái to do bệnh tăng huyết áp cũng làm tăng tỷ lệ tai biến tim và tăng tỷ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch.

Não: Các động mạch trong hộp sọ nhất là các động mạch trong não cũng rất dễ bị tổn thương do bệnh tăng huyết áp, các động mạch đó dày ra, mất độ đàn hồi, biến dạng và dễ làm hình thành các túi phổng nhỏ, cả động mạch lẫn lúi phồng nhỏ đều có nguy cơ bị vỡ khi xảy ra cơn cao huyết áp kịch phát hoặc khi huyết áp tăng rất cao và kéo dài.

Cơn cao huyết áp kịch phát quá cao còn có thể gây phù não và các tổn thương vi thể khác làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của não. Cao huyết áp còn là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh vữa xơ động mạch não, trên những người bệnh này, các động mạch não thường có những mảng vữa xơ nặng làm cản trở nhiều dòng máu đến nuôi tổ chức não và có thể gây nhồi máu não (nhũn não).

Thống kê của các tác giả trên thế giới đã cho thấy tần suất tai biến mạch máu não tăng rất rõ ở những bệnh nhân cao huyết áp, tần suất đó là 17% ở nam, 8% ở nữ, tăng lên 51% (nam) và 35% (nữ) nếu là bệnh nhân cao huyết áp theo nghiên cứu của Kannel và cộng sự. Hội nghị quốc tế về tuần hoàn não lần thứ 4 họp ở Toulouse (Pháp) năm 1985 còn cho là bệnh cao huyết áp làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não lên bảy lần so với người không có bệnh đó, nguy cơ này tăng dần theo tuổi và mức huyết áp cao nhất về lâm sàng, ở những người bị cao huyết áp lâu ngày có thể thấy đau đầu, nhất là về cuối đêm và sáng sớm, ở vùng chẩm, trán, thái dương, có khi đau tản mạn, hoặc đau nửa đầu, chóng mặt, chuếch choáng, hoa mắt, ù tai, giảm khả năng hoạt động trí óc, dễ quên.

Nặng hơn có thể có hội chứng não do cao huyết áp với những dấu hiệu tâm thần kinh phức tạp như đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn mửa, ngủ gà, lẫn lộn, có thể có cơ giật, hôn mê…Chảy máu não dễ xảy ra khi có cơn huyết áp tăng kịch phát, nhẹ thì bại nửa người, nặng hơn thì bị liệt, nếu có chảy máu lớn, máu tràn vào nhanh chóng. Bại hoặc liệt nửa người có thể phục hồi được nhưng cũng có thể để lại di chứng lâu dài.

Thận: Các tổn thương thận xuất hiện chậm hơn và cũng kín đáo hơn, thường chỉ bộc lộ ở giai đoạn cuối của bệnh. Ngay trong giai đoạn đầu người ta đã thấy giảm cung lượng thận, nhưng độ lọc cầu thận vẫn giữ được do có cơ chế bù trừ. về lâu dài, khi tổn thương xơ các mạch thận phát triển, thận bị teo nhỏ thì suy thận mới thấy rõ.

Trên lâm sàng, từ giai đoạn hai của bệnh, có thể thấy protein trong nước tiểu, creatinin máu có thể tăng nhẹ, sang giai đoạn hai thì có thể thấy suy thận rõ hơn, urê và creatinin trong máu tăng cao, có phù…

Trên đây là những tác hại và biến chứng của bệnh cao huyết áp, dựa vào những tác hại trên chúng ta có thể rút ra được những phương pháp và cách điều trị cao huyết áp một cách kịp thời. Hãy theo dõi trang web Chiase69.Com để cập nhật những bài thuốc, cách chữa bệnh mới nhất nhé.

Exit mobile version